nhũng điều bất ngờ từ lệ lý

Trầm Hương

Le Ly Hayslip

Sách và phim của nhà văn Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip) chưa từng được dịch và chiếu chính thức ở Việt Nam nhưng thế giới ngày nay quá phẳng, chỉ vài cú nhấp chuột, thông tin về bà đã tràn ngập, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Độc giả Việt Nam biết đến bà là tác giả, nhà từ thiện, nhà hoạt động vì hòa bình và diễn giả người Mỹ gốc Việt nổi tiếng thế giới. Tên thật của bà là Phùng Thị Buông, quê làng Kỳ La, nay là Xã Hòa Quý, thành phố Đà Nẵng. Bà lớn lên trong những năm chiến tranh ác liệt. Trải nghiệm một tuổi thơ bị chiến tranh tàn phá, nhiều lần thoát chết, sớm nếm trải nguy hiểm, đau thương; thời thiếu nữ bị bức lìa ra khỏi làng quê, phải làm đủ nghề kiếm sống, bị tước đoạt hạnh phúc, cho đến cuộc sống không dễ dàng sau này ở Mỹ thôi thúc bà viết hai cuốn hồi ký When Heaven and Earth Changed Places (Khi Đất và Trời thay đổi) và Child of War, Woman of Peace (Đứa con của chiến tranh, Người phụ nữ của hòa bình). Hai cuốn sách đã nhận được nhiều lời khen ngợi, bao gồm cả tạp chí The New York Times và The Washington Post. When Heaven and Earth Changed Places được đưa vào danh sách những cuốn sách phi hư cấu hay nhất do Reader’s Digest tuyển chọn vào năm 1990. Hai cuốn hồi ký của bà đã được xuất bản bằng 17 ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới và hiện được nhiều trường đại học sử dụng để làm tài liệu nghiên cứu về phụ nữ trong lịch sử, chiến tranh Việt – Mỹ và các chủ đề khác. Năm 1993, hai cuốn sách được đạo diễn danh giá Oliver Stone chuyển thể thành bộ phim “Heaven & Earth” (Đất và Trời), cùng sự góp mặt của diễn viên Lê Thị Hiệp và Tommy Lee Jones.

Thế nhưng nhiều người Việt Nam biết đến cái tên Lệ Lý qua những hoạt động từ thiện hơn văn chương. Bà bắt đầu hoạt động nhân đạo từ năm 1970 khi đến Mỹ và nhập quốc tịch Hoa Kỳ, rồi trở về quê nhà Việt Nam vào 1986. Chứng kiến hậu quả chiến tranh, chứng tích xóm làng bị bom đạn tàn phá, nghèo đói và bệnh tật; bà kêu gọi, thành lập hai tổ chức từ thiện East Meets West Foundation (EMWF, Quỹ Đông Tây hội ngộ) và Global Village Foundation (GVF, Quỹ Làng toàn cầu). Cả hai tổ chức hoạt động với mục đích cứu trợ nhân đạo, giáo dục và phát triển nhằm giúp Việt Nam hồi phục thông qua việc cung cấp các nhu cầu cơ bản (nơi trú ngụ, nước sạch, cơ sở y tế, giáo dục), thành lập các chương trình tín dụng tuần hoàn, và giúp tìm kiếm gia đình mới cho hàng trăm trẻ em mồ côi. Sau 30 năm vượt qua những khó khăn của cuộc đời và cống hiến cho các hoạt động vì xã hội, Lệ Lý tập trung truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bằng những trải nghiệm phong phú của mình. Tháng 11.2022 về Việt Nam cho hoạt động cứu trợ người dân Đà Nẵng bị lũ lụt, bà có buổi chia sẻ cảm động về cuộc đời mình với sinh viên đại học Fulbright. Dù được đọc sách bà viết, được xem phim chuyển thể từ tác phẩm của bà, được bà đưa đi nhiều nơi trên đất Mỹ và khi bà về Việt Nam, tôi đưa bà đi thăm nhiều di tích lịch sử nhưng mỗi lần được gặp lại bà, nghe bà kể chuyện, nghe bà hát, chứng kiến cu ộc sống của bà trên nước Mỹ, tôi vẫn luôn bất ngờ về bà…

Nhà văn Lệ Lý (Le Ly Hayslip) với tác phẩm được dịch nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Ảnh Nguyễn Hoàng, 8.2022

Trong gian bếp thuần Việt

Khác với phong cách hiện đại người phụ nữ Mỹ gốc Việt, ở tuổi 70 còn rất năng động, lái xe đón chúng tôi ở phi trường San Diego đưa thăm tàu Midway – tàu sân bay đầu tiên được đưa ra hoạt động sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, giờ là một tàu bảo tàng tại San Diego. Trên con tàu này, bà có cuộc gặp gỡ và trò chuyện thú vị với các nhà sư Tây Tạng, rồi có buổi ăn trưa với nhà văn, Giáo sư Larry Berman. Bà trao đổi với ông về quyển sách “Điệp viên hoàn hảo” mà giáo sư viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, về cuộc hội thảo bà vừa tham dự với ông, về câu chuyện ông chia sẻ với sinh viên về chiến tranh Việt Nam. Bà hẹn với Giáo sư một sự kiện sắp tới… Tôi ngắm nhìn bà, một người phụ nữ lịch lãm, linh hoạt, năng động và luôn hướng đến những giá trị tích cực. Có lẽ vì tính cách ấy mà bà được những người bạn Mỹ rất yêu mến. Nhưng khi bà lái xe về ngôi nhà nép mình dưới thung lũng Escondido, trút bỏ bộ quần áo phong cách, lịch lãm; khoác lên người bộ cánh giản dị, trong gian bếp thuần Việt, Lệ Lý trở về với một con người hoàn toán khác.

Với phong cách lịch lãm, sang trọng; nhà văn Lệ Lý (bìa trái) đưa tôi đi nhiều nơi ở San Diego… Ảnh Nguyễn Hoàng

Nhà văn Lệ Lý cùng Giáo sư Larry Berman – tác giả quyển sách “Điệp viên hoàn hảo” viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn trong chuyến thăm tàu Midway tháng 8 năm 2022. Ảnh Nguyễn Hoàng. 

Lệ Lý khiến tôi quá đỗi kinh ngạc, khi bà thoăn thoắt làm bếp. Từng thứ trong ngôi nhà bà mang đậm dấu ấn làng quê Nam bộ. Đó là bộ thúng, rổ, vừng sàng nong nia vừa làm vật dụng, vừa trang trí trong ngôi nhà. Quanh tôi là những bộ chén dĩa sành thô mộc, những bó đũa tre, những tấm mành, những bức tranh sơn mài vẽ làng quê Việt Nam, bộ dụng cụ ăn trầu gợi nhớ hình ảnh những người bà cổ xưa tôi từng gặp; những bức ảnh gia đình với người mẹ sang Mỹ thăm bà với chiếc khăn Việt choàng cổ và đôi môi còn đỏ thắm màu trầu cau … Quanh tôi là một không gian thuần Việt, đầm ấm và sâu thẳm. Qua Mỹ đã 52 năm (từ năm 1970), tiếp xúc với nhiều người Mỹ, dù học chỉ lớp ba trường làng nhưng với khả năng tự học và tích cực hội nhập, tiếng Anh của bà đủ để đi đến các trường đại học nước Mỹ diễn thuyết nhưng cho đến giờ, bà vẫn giữ được chất giọng Đà Nẵng, vẫn giữ phong cách Việt. Tôi thêm một lần kinh ngạc khi bà nấu những món ăn Việt, bày mâm cơm Việt, sắp đồ cúng y như những người bà của tôi ở làng quê Nam bộ. Những bức tượng Phật, di ảnh ông bà tổ tiên được bà sắp đặt trang trọng trong một không gian thờ cúng, nơi trung tâm, đẹp nhất của ngôi nhà. Và cũng thật kinh ngạc khi bà sở hữu một tủ lớn quần áo treo hàng chục bộ áo dài cưới ba miền Nam Trung Bắc, những chiếc áo dài từ cổ điển đến cách tân, hiện đại và những chiếc mấn đội đầu lộng lẫy… Tôi cảm thán kêu lên: “Muốn nghiên cứu văn Hoá Việt hãy đến Mỹ. Muốn biết những gì còn thuần chất Việt, hãy đến với ngôi nhà của Lệ Lý!”. Chị cười rạng rỡ tiết lộ: “Đám cưới con trai chị ở Mỹ, cô dâu chú rể vẫn mặc đồ Việt Nam đó. Trang phục truyền thống, dù sống xa quê vẫn giữ nếp xưa. May mà con trai và con dâu vui vẻ mặc bộ áo dài truyền thống quê nhà!”.

Lệ Lý với món ăn thuần Việt đãi khách. Ảnh Nguyễn Hoàng

Tủ quần áo nhà văn Lệ Lý cất giữ nhiều áo dài cười, khăn đoáng áo dài nam, mấn… đủ lễ bộ để thổ chức đám cưới Việt theo lễ nghi truyền thống. Ảnh Nguyễn Hoàng

Người đàn bà dũng cảm với cuộc sống kiệm ước, tối giản

Tôi hỏi Lệ Lý: “Thu nhập từ sách, phim và diễn thuyết được bao nhiêu?”. Bà cười cởi mở trước câu hỏi khá nhạy cảm mà những người thân tình mới có thể chạm vào: “Khoảng một triệu đô la. Nhưng phần lớn thu nhập ấy chị dành cho từ thiện. Đơn giản vì những gì chị có được cũng từ ĐẤT và TRỜI trao tặng. Chị nghĩ mình phải trả lại  những thứ mình có được cho cuộc đời!”. Tôi ngẫm ngợi, tin lời bà chân thành. Sau này, có dịp về lại Đà Nẵng, đến thăm làng Kỳ La, quê hương bà, tôi cảm nhận điều bà nói là có thật. Cho đến giờ, bà vẫn thấy mình có trách nhiệm với tổ tiên từ việc dời nghĩa trang từ làng Kỳ La đến một nơi khang trang, hợp lý hơn để chỉnh trang thành phố. Bà có trách nhiệm với việc xây dựng ngôi nhà thờ tổ, nơi bà cất tiếng khóc chào đời để kết nối con cháu nhiều miền đất nước, nhiều thế hệ với tổ tiên. Bà bỏ công sức xây Làng Hy vọng, để rồi giờ đây, ngôi trường đón những trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn từ năm 1993 đã có 780 em ra trường, trong đó có 120 em tốt nghiệp đại học, 200 em tốt nghiệp Cao đẳng, còn lại trung cấp và nghề lao động, tự nuôi sống được bản thân, nhiều em được nhận con nuôi, thành đạt ở nước ngoài. Tôi biết để có tiền cho những hoạt động thiện nguyện thật không dễ dàng. Bà từng kinh doanh, chấp nhận thua lỗ để chọn con đường mình dấn thân. Khi sách, phim bà được phát hành nhiều nước, bà trở thành người phụ nữ nổi tiếng nhưng có lúc đối mặt với tình huống nguy hiểm, bị công kích, dè bĩu, miệt thị bởi những người quá khích. Bà có lúc rơi xuống tận cùng tuyệt vọng, cô đơn khi tác phẩm của mình bị từ chối ngay trên quê hương, vì bà kiên quyết bảo vệ những vấn đề được cho là “nhạy cảm” trong tác phẩm; còn trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, một số người quá khích cho bà là thân cộng, tìm mọi cách cô lập bà. “Nhiều năm tôi đã sống giữa hai làn đạn trên nước Mỹ. Nhưng tôi không nao núng vì tôi tin vào những điều mình làm”. Lệ Lý trải lòng. Bà nhớ lại những ngày đầu tiên về Việt Nam, sau chiến tranh. Những chuyến đi gian truân, qua nhiều cửa ải, nhiều rào cản để trở về quê hương đã lấy đi nhiều nước mắt và thêm nhiều nỗi đau trong lòng bà. Đó là những năm 1980, khi quan hệ hai nước Việt Mỹ còn đóng băng. Quá nhiều trải nghiệm của sự chia cắt, bà đã dũng cảm gởi cho chính phủ Mỹ lá thư kêu gọi bỏ lệnh cấm vận. Trong nhiều lá thư chống bình thường quan hệ hai nước của cộng đồng người Việt lẫn người Mỹ, lá thư Lệ Lý với những cung bậc cảm xúc phải chăng đã tạo nên ấn tượng đặc biệt. Và bà là một trong những người được Tổng thống Bill Clinton mời trong đoàn khách cùng sang thăm Việt Nam năm 2000…

Người phụ nữ dũng cảm, dám mất nhiều tài sản, tiền bạc, cơ hội cho việc viết sách, làm phim, cho những dự án thiện nguyện giúp đỡ Việt Nam kỳ lạ thay lại là người phụ nữ sống giản dị, quá đỗi tiét kiệm. Bà xót ruột nhìn tôi xả nước rửa chén, nhắc khẽ: “Ở San Diego nước rất hiếm. Nè, nước rửa chén xong giữ lại, rồi đem tưới cây!”. Nói là làm, bà khệ nệ bưng thau nước ra ngoài tưới cho gốc chanh dây và đám rau lúc nào cũng háu nước. Biết ý, tôi giành phần bưng nước dư từ gian bếp ra ngoài tưới cây cho bà nhưng cũng chân thành nhắc: “Mai mốt em về rồi, chị cẩn thận. Lỡ vấp té thì tiết kiệm chẳng để làm gì!”. Bà ứ ừ trong cổ họng, hình như cũng có chút cám cảnh trườc lời nhắc của tôi. Phần tôi, khi về Việt Nam, tôi học được nhiều về sự kiệm ước, lối sống tối giản của bà.

Nhà văn Lệ Lý (giữa) cùng trẻ em mồ côi trong chuyến về thăm Việt Nam những năm 1990. Ảnh tư liệu nhà văn Lệ Lý

Người phụ nữ dũng cảm, dám mất nhiều tài sản, tiền bạc, cơ hội cho việc viết sách, làm phim, cho những dự án thiện nguyện giúp đỡ Việt Nam kỳ lạ thay lại là người phụ nữ sống giản dị, kiệm ước. Bà tiết kiệm từng giọt nước… Ảnh Nguyễn Hoàng

Lưu giữ những giá trị văn hoá phi vật thể

Lệ Lý khiến tôi thêm phần bất ngờ về khả năng ghi nhớ, ca diễn những bài ca dao, dân ca, hò vè… Bà nhớ như in câu chuyện cha mình kể về người nữ anh hùng họ Phùng và ao ước khi lớn lên, bà cũng là một nữ anh hùng, làm rạng danh xứ sở. “Nhưng chiến tranh đã bức lìa tôi ra khỏi quê hương, đi ở đợ, làm sở Mỹ rồi trôi dạt sang Hoa Kỳ. Nhưng quê hương vẫn trong trái tim tôi, cùng với những bài hát, câu ca đi vào tâm thức tôi. Những câu ca, hò vè ấy là một phần máu thịt quê hương, gắn liền với ký ức của tôi”. Rồi bà hát. Những bài hò vè về tấm gương cô Tám, chị Lý anh hùng quê hương Đà Nẵng của bà. Bà hát về những bài ca mẹ dạy con gái siêng năng, hiếu thảo; về khao khát hạnh phúc lứa đôi, về tâm tình người phụ nữ có chồng bị bắt lính, phải gồng gánh nuôi con. Bà hát bài ca ca ngợi bác Hồ như ông Tiên… “Nhưng rồi tôi vẫn được dạy những bài ca ngợi Ngô Tổng thống, vì chiến tranh, vùng tôi sống ban ngày của quốc gia, đêm của cộng sản, nên người dân muốn tồn tại phải linh hoạt đối phó. Dân mềm như là nước mà!” Bà cười, nhớ lại những tình huống trớ trêu, những lằn ranh sinh tử… Giờ đây, với người đàn bà này, đau khổ, nghịch cảnh, tang thương mà bà nếm trải trở thành tài sản quý báu của cuộc đời. “Tôi mong ngôi nhà này là địa chỉ để bất cứ ai muốn tìm hiểu Việt Nam tìm đến, trải nghiệm. Tôi mong làm lễ cưới cho những cặp vợ chồng bằng lễ nghi, trang phục Việt Nam. Tôi mong làm băng dĩa ghi lại những câu ca, hò vè cho những bà mẹ Việt Nam ở Mỹ mở ru con ngủ, để những đứa trẻ gốc Việt không quên Việt Nam và văn hoá sâu thẳm của người Việt. Tôi ngoài 70 rồi, đã nghĩ đến việc mai này mình không còn, vẫn còn chút giá trị tinh thần để lại cho con cháu. Tôi tặng lại ngôi nhà mình cho việc lưu giữ và truyền tải những những giá trị văn hoá Việt Nam đến thế hệ sau. Trong tai tôi vẫn còn vang vọng lời cha dạy: “Bảy Lý, con phải sống. Nếu số phận không dồn ép con làm người anh hùng xông pha trận mạc thì bổn phận của con là bằng mọi cách phải sống. Sống để kể lại những câu chuyện cho con cháu, để chúng sống tốt hơn, người hơn!”.

Lệ Lý đã làm được lời ký thác của người cha. Bà đã sống để viết sách kể chuyện và đang cố nhớ để hát lại những bài hát cổ xưa, truyền lại cho con cháu…

T.H

Nhà văn Lệ Lý (Le Ly Hayslip) tháng 8 năm 2022. Ảnh Nguyễn Hoàng

Nhà văn Lệ Lý (Le Ly Hayslip – thứ 5 từ trái) luôn truyền cảm hứng cho những nghệ sĩ trẻ gốc Việt  ở Mỹ. Ảnh Nguyễn Hoàng, tháng 8.2022

Nhà văn Lệ Lý qua câu chuyện cuộc đời mình truyền cảm hứng cho sinh viên Fulbright Việt Nam ngày 10.11.2022. Ảnh Nguyễn Hoàng

Nhà văn Lệ Lý tổ chức đám cưới con trai trong trang phục truyền thống, dù ở Mỹ. Ảnh tư liệu Lệ Lý